Vào đầu tháng 8/2017 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng cầu Cát Lái nối Quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Đây được xem là yếu tố kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng phát triển tại khu vực này.
Thông tin về vị trí dự án cầu Cát Lái và thời gian khởi công cầu Cát Lái
Thông tin mới nhất về cầu Cát Lái được đưa ra là cây cầu có chiều dài và đường dẫn cầu khoảng 4.5km, mặt cắt ngang 60m, sau khi hoàn thành sẽ có 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp phục vụ các phương tiện giao thông. Thời gian dự kiến khởi công xây dựng cầu Cát Lái là trong khoảng thời gian 2017 – 2020. Vị trí Cầu Cát Lái là điểm đầu kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2, TPHCM) và điểm cuối sẽ cách bến phà hiện hữu khoảng 1.2km thuộc xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Về hướng tuyến, công trình chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẻ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ – thuộc khu đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ.
Tổng mức đầu tư vào khoảng 5.700 tỷ, trong đó giải phóng mặt bằng cho cả 2 địa phương là 1.225 tỷ. Phương án nhà đầu tư đang đề xuất là BOT ( xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Tiến độ xây dựng cầu Cát Lái
TP.HCM đã khẩn trương bắt tay nghiên cứu thực hiện dự án xây cầu Cát Lái, mở rộng đường Nguyễn Thị Định cùng các đường khác để tháo gỡ tình trạng ùn tắc quanh khu vực cảng Cát Lái. Đến nay các nhà đầu tư đã trình hai phương án, song phát sinh vốn để giải tỏa mặt bằng, làm thêm đường… nên kế hoạch có thể bị kéo dài.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi được sở này lập trước đây, dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định có lộ giới quy hoạch là 60 m cho sáu làn xe cơ giới, bốn làn xe hỗn hợp, có tổng mức đầu tư hơn 1.141 tỉ đồng.
Đường thêm rộng kéo theo diện tích đất, số hộ dân bị giải tỏa tăng nên số tiền đền bù giải tỏa cũng tăng thêm 302 tỉ đồng, đưa tổng mức đầu tư dự án lên thành 1.443 tỉ đồng, trong đó tiền giải phóng mặt bằng là hơn 850 tỉ đồng. Việc tăng kinh phí sẽ làm cho dự án có thể bị chậm thi công vì phải chờ thẩm định, duyệt phương án mới.

Những phương án xây dựng cầu Cát Lái
Do khu vực cảng Cát Lái là điểm tàu thuyền ra vào mỗi ngày với mật độ dày đặc, để bảo đảm cho việc quay đầu của các loại tàu thuyền, tại văn bản mới đây Sở GTVT TP xác định vị trí chân cầu sẽ cách bến phà hiện hữu (ở cả hai phía quận 2 và Nhơn Trạch) 1,2-1,7 km. Vị trí chân đường dẫn vào cầu phía Đồng Nai được xác định là cuối đường Lý Thái Tổ, thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.
Còn điểm đầu của đường dẫn nằm phía quận 2, TP.HCM đang được tính toán. Theo đề án do một công ty đưa ra (tạm gọi phương án 1 – PV) thì sẽ phóng một con đường mới từ nút giao vòng xoay Mỹ Thủy, đi men theo rìa Khu công nghiệp Cát Lái để tiếp cận điểm đầu cầu nêu trên. Với phương án này thì việc mở rộng đường Nguyễn Thị Định chỉ cần là 60 m và có thể làm sớm để giải tỏa ùn tắc cho xe lên xuống cảng Cát Lái.
Một phương án khác (phương án 2) là sử dụng đường Nguyễn Thị Định hiện hữu từ đầu nút giao Mỹ Thủy làm điểm đầu của đường dẫn lên cầu, đi khoảng 900 m đến đường D của Khu công nghiệp Cát Lái thì quẹo phải, đi tiếp một đoạn đến đường B thì quẹo trái theo đường mới để lên cầu.
Phương án 2 có ưu điểm là sử dụng một đoạn 900 m và chỉ mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên đạt 70-77 m. Đoạn Nguyễn Thị Định còn lại xuống đến phà Cát Lái dài khoảng 1 km chỉ cần nâng cấp, mở rộng lên 60 m. Nhưng phương án này sẽ làm phát sinh hàng loạt điều bất lợi, phức tạp sau: 1. Biến đoạn đường Nguyễn Thị Định nêu trên thành đường đi chung của cả xe lên xuống cảng và xe lên xuống cầu; 2. Nút giao giữa đường Nguyễn Thị Định với đường rẽ trái vào cổng C cảng Cát Lái và rẽ phải vào đường D của Khu công nghiệp Cát Lái sẽ phải trở thành một nút giao mới và làm mất tác dụng của nút giao cầu vượt – hầm chui Mỹ Thủy liền kề đang được xây dựng; 3. Phải mở rộng đường D, đường B trong Khu công nghiệp Cát Lái hiện rộng 12-15 m lên trên 60 m để đạt chuẩn của đường dẫn lên cầu nên sẽ rất tốn kém.

Thông tin về chủ đầu tư xây dựng cầu Cát Lái.

Tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư cầu Cát Lái, danh tính 2 đơn vị đưa ra phương án xây dựng cầu hiện nay là: Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng 194, đơn vị còn lại là Liên Doanh nhà đầu tư Thái Sơn – Cienco1 – Đức Bình – Cái Mép.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 194, qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái, đưa ra 2 mức đầu tư là 5.717 tỷ đồng và 4.447 tỷ đồng. Công ty này đã có kinh nghiệm trong hình thức BOT là dự án nâng cấp Quốc lộ 1K cầu Hóa An, địa bàn tỉnh Đồng Nai – Bình Dương – TPHCM, bằng 100% vốn của doanh nghiệp.
Đơn vị thứ 2 là Liên doanh nhà đầu tư Thái Sơn – Cienco1 – Đức Bình – Cái Mép lại đưa ra phương án nghiên cứu lập đề xuất dự án xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT kết hợp BT.
Tổng hợp